Giò lụa là món ăn truyền thống đặc sắc không thể thiếu trong các bữa tiệc và các dịp lễ Tết của người Việt. Hãy cùng lammonngon.vn khám phá 3 cách làm giò lụa miền Bắc, giò lụa tai heo và giò gà để làm phong phú thêm thực đơn của gia đình bạn nhé.

Cách làm giò lụa miền Bắc truyền thống

Một trong những cách làm giò lụa truyền thống được yêu thích đó là cách làm giò lụa miền Bắc. Cùng xem chi tiết cách làm sau đây nhé!

Nguyên liệu

  • 1kg thịt heo
  • 200gr thịt gà nạc
  • 30gr bột năng
  • 5gr bột nở làm giò
  • 10gr đường
  • 40ml nước mắm
  • 1 ít muối
  • 1 ít tiêu trắng
  • 1 ít lá chuối và dây lạc hoặc dây nilon

Mách nhỏ bí quyết làm giò lụa ngon:

  • Hãy sử dụng tiêu trắng thay vì tiêu đen để giữ màu sắc và hương vị đặc trưng của giò lụa. Nhiều hướng dẫn cách làm giò lụa miền Bắc không nhắc điều này, và khi dùng tiêu đen, miếng giò sẽ có lốm đốm hạt tiêu, trông mất thẩm mỹ.
  • Bạn nên chọn thịt heo có phần nạc pha mỡ, với tỷ lệ lý tưởng là 8 phần nạc và 2 phần mỡ để tạo độ ngon và béo đặc trưng cho giò lụa. Thịt nên là thịt tươi mới, chưa qua rửa nước để giữ nguyên hương vị tốt nhất.
  • Để làm giò lụa miền Bắc, cần sử dụng thêm thịt gà. Bạn nên chọn phần thịt đùi gà vì thịt đỏ giúp giò lụa trở nên dai và giòn hơn.

Cách làm giò lụa miền Bắc

Bước 1: Sơ chế thịt heo và thịt gà

  • Rửa sạch thịt heo đã chọn dưới nước, sau đó loại bỏ phần bì, chỉ giữ lại phần nạc, mỡ và gân. Lưu ý rằng trong cách làm giò lụa miền Bắc thì mỡ và gân là thành phần quan trọng giúp giò lụa có độ giòn và dai tự nhiên.
  • Để thịt ráo nước hoặc dùng khăn bông thấm khô phần nước thừa, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình chế biến giò lụa.
  • Khi thịt đã khô ráo, cắt thịt thành từng miếng nhỏ để dễ dàng trong việc ướp gia vị và xay nhuyễn.
  • Thịt gà bạn cũng rửa sạch, để ráo rồi cắt thành miếng nhỏ.

Cắt thịt heo

Bước 2: Ướp thịt

Đối với cách làm giò nạc miền Bắc này, bạn cần chuẩn bị hỗn hợp gia vị gồm nước mắm, hạt nêm, đường và hạt tiêu rồi trộn đều với thịt heo và thịt gà. Ướp thịt trong khoảng 40-45 phút để gia vị thấm đều vào từng miếng thịt.

Bước 3: Xay thịt

  • Sau khi thịt đã được ướp đủ thời gian, bạn cho thịt heo, thịt gà, bột năng, bột nở vào máy xay. Xay trong khoảng 15 phút với tốc độ trung bình.
  • Thêm 10ml nước đá vào để giảm nhiệt độ, giữ cho thịt xay tươi ngon, mịn màng hơn. Tiếp tục xay thêm 15 giây. Lặp lại quy trình này 10 lần để có được hỗn hợp mịn, không còn sợi thịt.
  • Khi thịt đã đạt độ mịn mong muốn, bạn bọc kín và cho thịt vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 1 tiếng để thịt trở nên dai và dẻo hơn.

Xay thịt làm giò

Bước 4: Cách gói giò lụa bằng lá chuối

  • Chuẩn bị lá chuối xanh, rửa sạch với nước rồi để ráo. Bạn cũng có thể hơ lá chuối qua lửa để lá thơm và dai hơn.
  • Đặt lá chuối vào khuôn sắt hình trụ, sau đó đổ thịt đã xay vào khuôn. Tiếp theo, nén chặt để đảm bảo giò mịn màng khi luộc.
  • Ngoài ra, nếu bạn không có lá chuối thì có thể thay bằng vài lớp màng bọc thực phẩm ở trong và lớp giấy bạc ở ngoài nhé.

Bước 5: Luộc/Hấp giò

Đối với cách làm giò lụa miền Bắc bằng lá chuối:

  • Bạn cho giò vào nồi luộc với nước ngập khoảng 25-30 phút cho đến khi chín. Sau khi giò chín, vớt ra và treo lên cao hoặc đặt vào rổ cho ráo nước. Sau khoảng 1-2 tiếng, bạn có thể cắt giò thành những miếng vừa ăn, bày ra đĩa và trang trí theo sở thích.

Đối với cách làm giò lụa không có lá chuối:

  • Bạn đặt giò đã gói bằng giấy bạc và màng bọc thực phẩm vào nồi hấp và hấp trong khoảng 45 phút. Quá trình hấp giúp giữ nguyên hương vị, độ ẩm và độ ngon, mềm mịn của giò khi thưởng thức.

Cách làm giò lụa miền Bắc

Vậy là lammonngon.vn đã hướng dẫn xong cho bạn chi tiết cách làm giò lụa miền Bắc rồi đấy. Những miếng giò lụa được cắt với độ dày vừa phải, mang đến hương vị thơm ngon và độ đàn hồi mềm mịn đặc trưng. Khi thưởng thức, bạn có thể kết hợp với dưa chuột và chấm giò cùng với nước mắm để tăng thêm độ đậm đà.

Cách làm giò lụa tai heo giòn sần sật

Ngoài cách làm giò lụa miền Bắc, bạn có thể học cách làm giò lụa tai heo để đổi món cho bữa cơm gia đình cũng như làm phong thú thêm mâm cỗ ngày Tết.

Nguyên liệu

  • Tai heo 1 cái (Khoảng 300gr)
  • Thịt lợn nạc 1 kg (Nên chọn thịt mông để giò xay được ngon và mịn hơn)
  • Nấm hương 30gr
  • Nước mắm 1 thìa canh
  • Hạt tiêu trắng 20gr
  • 1 thìa cà phê đường
  • 1 thìa cà phê bột ngọt
  • 2 thìa cà phê bột ngô (hoặc bột năng)
  • Lá chuối hoặc màng bọc thực phẩm và giấy bạc
  • Khuôn làm giò

Cách làm giò lụa tại nhà với tai heo

Bước 1: Sơ chế và xay thịt heo

  • Thịt heo bạn rửa sạch bằng nước muối, sau đó thái nhỏ và cho vào máy xay. Bạn nên thêm một chút thịt mỡ để giò không bị khô và có vị béo hơn.
  • Trong quá trình xay, bạn nêm thêm gia vị gồm tiêu trắng, bột ngọt, đường, bột ngô, nước mắm. Khi thịt được xay nhuyễn, đều và có màu hồng đẹp mắt thì là đạt yêu cầu.
  • Cũng giống như cách làm giò lụa miền Bắc, sau khi xay xong, bạn cho thịt vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 30 phút.
  • Nếu sử dụng máy xay thông thường, bạn cần lưu ý để tránh tình trạng thịt nóng lên, dễ làm giò bị chết. Để khắc phục, bạn nên cho thêm khoảng 10ml nước đá vào trong quá trình xay để làm giảm nhiệt độ.

Bước 2: Sơ chế tai heo và nấm

  • Bạn sử dụng lưỡi lam để loại bỏ lông còn sót lại trên tai heo. Tiếp theo, khứa lỗ tai và làm sạch toàn bộ chất bẩn bên trong.
  • Bạn tiếp tục rửa tai heo bằng hỗn hợp muối, giấm hoặc nước cốt chanh và muối để khử trùng và loại bỏ mùi hôi.
  • Sau đó, pha loãng giấm hoặc nước cốt chanh với nước sạch, rồi ngâm tai heo trong khoảng mười phút. Cuối cùng, vớt tai heo ra và để ráo, bạn sẽ có tai heo sạch và trắng đẹp.
  • Khác với cách làm giò lụa miền Bắc, khi làm giò lụa tai heo bạn cho thêm nấm hương để tạo thêm độ thơm cho món ăn. Bạn ngâm nấm trong nước sôi, sau đó rửa sạch và thái mỏng.

Sơ chế tai heo

Bước 3: Luộc và trộn tai heo

  • Bạn bắc nồi nước lên bếp rồi thêm một củ hành khô đập dập hoặc vài lát gừng mỏng vào để khử mùi hôi. Luộc tai heo đến khi chín tới, tránh luộc quá nhừ để giữ độ dai giòn cho giò.
  • Sau đó, để nguội và thái thành miếng mỏng. Ướp tai heo với một ít nước mắm và bột ngọt để gia vị thấm đều.
  • Tiếp theo, lấy phần thịt xay từ tủ lạnh ra, trộn đều với tai heo và nấm hương. Lưu ý không sử dụng máy xay để trộn vì có thể làm nát phần tai heo.

Bước 4: Cách bó giò lụa tai heo

  • Bạn cho túi ni lông vào khuôn, sau đó đặt một lớp lá chuối lên trên (có thể thay thế bằng giấy bạc nếu không có lá chuối). Tuy nhiên lá chuối là yếu tố mang đến mùi thơm đặc trưng cho giò truyền thống.
  • Sau đó, cho giò vào khuôn và ấn nhẹ để hạn chế tối đa việc hình thành lỗ bên trong giò. Cuối cùng, cố định 2 đầu giò trước khi đem đi luộc.

Bước 5: Luộc giò

  • Đem giò đi luộc, cần đảm bảo nước ngập hoàn toàn cây giò. Thời gian luộc giò khoảng 50-60 phút. Lưu ý không nên luộc quá lâu, vì giò sẽ bị bở.
  • Khi giò chín, vớt ra rổ để ráo nước hoặc bạn có thể treo giò lên. Để thưởng thức giò lụa tai heo ngon nhất, bạn nên ăn ngay sau khi luộc xong.

Cách làm giò lụa tai heo

Giò lụa tai heo rất dễ ăn và không bị ngấy với độ dai giòn sần sật của tai heo cùng hương thơm đặc trưng từ nấm hương và mộc nhĩ. Cũng giống như cách làm giò lụa miền Bắc, cách làm giò lụa tai heo cũng không quá phức tạp, bạn hoàn toàn có thể tự tay thực hiện tại nhà trong các dịp lễ Tết hoặc cỗ bàn.

Hướng dẫn làm giò lụa gà ngon mềm

Bên cạnh những cách làm giò lụa miền Bắc, làm giò lụa tai heo, sau đây lammonngon.vn sẽ hướng dẫn bạn cách làm giò lụa gà cũng rất mềm và thơm ngon.

Nguyên liệu

  • 700gr phi lê thịt đùi gà
  • 2 thìa canh bột bắp
  • 1/2 thìa canh bột nở (baking powder)
  • 1/2 thìa canh bột tỏi
  • 12 thìa canh dầu ăn (khoảng 120ml)
  • 1 thìa canh nước mắm
  • Gia vị thông dụng

Cách làm giò lụa ngon từ thịt gà

Bước 1: Sơ chế thịt gà

Để khử mùi hôi, bạn ngâm phi lê đùi gà trong nước muối loãng khoảng 5 phút. Sau đó, vớt thịt ra, thấm khô, thái thành các miếng nhỏ và băm nhuyễn.

Sơ chế thịt gà

Bước 2: Ướp và làm đông thịt gà

  • Cho thịt gà băm vào tô và ướp với các nguyên liệu sau: 1 thìa canh bột ngọt, 1/2 thìa canh hạt nêm, 1/2 thìa canh muối, 1 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa canh đường, 1/2 thìa canh bột tỏi, 2 thìa canh bột bắp, 1/2 thìa canh bột nở, 1/2 thìa canh tiêu xay và 12 thìa canh dầu ăn.
  • Mang bao tay vào và trộn đều tất cả các nguyên liệu. Sau đó, cũng giống như cách làm giò lụa miền Bắc, bạn bọc kín tô lại và để vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 tiếng trước khi xay.

Bước 3: Xay thịt gà

  • Sau khi để thịt gà lạnh trong 2 tiếng (cảm giác phải thật lạnh, xốp như kem), hãy lấy thịt ra khỏi tủ đá. Bạn nên chia thịt gà thành từng phần nhỏ và xay lần lượt, giữ những phần chưa xay trong ngăn đá để đảm bảo độ lạnh.
  • Chia thịt gà thành 4 phần và cho từng phần vào máy xay sinh tố. Bấm máy xay trong 3-4 giây, sau đó dừng lại và tiếp tục xay. Tiếp tục xay cho đến khi thịt nhuyễn mịn và dẻo quánh là đạt yêu cầu. Lặp lại cho đến khi xay hết số thịt.

Bước 4: Cách gói giò lụa đẹp

  • Dùng màng bọc thực phẩm trải lên thớt, sau đó cho thịt đã xay vào giữa. Cuộn màng bọc lại, vặn chặt 2 đầu và xoay khối thịt trong không khí để ép chặt tạo thành hình trụ.
  • Tiếp theo, trải giấy nến lên thớt và đặt khối thịt đã ép. Cuộn chả lại sao cho thật chặt tay, sau đó bọc thêm một lớp giấy bạc bên ngoài để giữ độ chắc chắn.

Bước 5: Hấp giò

  • Đặt nồi hấp lên bếp, khi nước sôi, cho giò gà vào hấp ở lửa lớn trong khoảng 25 – 30 phút.
  • Sau khi hấp xong, tắt bếp và giữ giò trong nồi với nắp đậy thêm 10 phút trước khi lấy ra. Khi giò đã nguội, bạn có thể dễ dàng bóc lớp giấy bên ngoài.

Hướng dẫn làm giò lụa gà

Giò lụa gà là món ăn hấp dẫn và có cách làm khá giống với cách làm giò lụa miền Bắc. Với kết cấu mềm mại và hương vị thanh nhẹ, giò lụa gà thường được dùng trong các bữa cơm gia đình, bữa tiệc hoặc làm món ăn kèm trong các dịp lễ hội, mang lại sự mới lạ và hấp dẫn cho khi thưởng thức.

Đọc thêm:

5/5 - (1 bình chọn)